Bệnh viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis, Japanese B encephalitis)

Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 248

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền  nhiễm của người và động vật do vi-rút gây ra và  lây truyền qua muỗi. Heo được coi là động vật cảm  nhiễm cao nhất và là động vật khuếch đại vi-rút. Ở  các nước Đông Nam Á, vi-rút VNNB là nguyên nhân  quan trọng gây rối loạn sinh sản như sẩy thai, lứa đẻ  ít con nhiều thai nhũn và thai chết; Hiện tượng vô  sinh trên heo đực, đặc biệt trong mùa mưa, khi mật  độ muỗi tăng cao.  


NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH 
Vi-rút VNNB trước đây được xếp vào họ Togaviridae trong nhóm B của các Flavivirus. Hiện nay, vi-rút này  được xếp vào chi Flavivirus. Vi-rút có hình cầu có vỏ,  đường kính khoảng 40nm, cấu trúc di truyền là một  chuỗi RNA đơn với capsid có 20 mặt.  


Vi-rút có thể nhân lên và gây bệnh tích trên nhiều loại  tế bào, các loại tế bào sơ cấp và nhiều dòng tế bào từ  động vật hữu nhũ, bao gồm tế bào Vero, tế bào thận  chuột đất vàng con (BHK- baby hamster kidney),  tế bào thận khỉ con (BMK- baby monkey kidney),  nguyên bào sợi chuột nhắt L-M, những dòng tế bào  có nguồn gốc từ ấu trùng hoặc phôi muỗi như dòng  tế bào C6/36 từ tế bào ấu trùng của Aedes albopictus và dòng tế bào từ phôi của Aedes aegypti. Ngoài ra  vi-rút cũng có thể nhân lên ở nguyên bào sợi phôi gà,  màng nhung niệu của phôi gà và chuột bạch. 


Vi-rút có sức đề kháng yếu, bị bất hoạt nhanh chóng  bởi các chất sát trùng. Vi-rút nhạy cảm với ether chloroform, desoxycholate natri, những men phân  giải protid hoặc lipid. Ở 56oC vi-rút bị bất hoạt sau 30  phút, vi-rút thích hợp ở pH= 8,5. 


CƠ CHẾ SINH BỆNH 
Trong tự nhiên, vi-rút được duy trì và lây truyền  qua chu trình bao gồm: nhân tố trung gian muỗi  (chủ yếu là chi Culex, quan trọng nhất là loài Culex  tritaeniorhyncus), chim và động vật hữu nhũ. Heo bị  nhiễm vi-rút do muỗi có mang vi-rút đốt, phát triển  vi-rút huyết sơ phát khoảng 12 giờ đến vài ngày, sau đó vi-rút lan tỏa đến mô mạch ở gan, lách và cơ, tiếp  tục sinh sản và gia tăng vi-rút huyết. Vi-rút vào hệ  thần kinh trung ương qua đường dịch não tủy, tế  bào màng nội mô, đại thực bào, lâm ba cầu nhiễm  vi-rút hoặc qua đường máu. Ở con cái mang thai,  sự truyền vi-rút qua nhau rõ ràng nhất khi heo bị  nhiễm ở giai đoạn giữa của thai kỳ (Shimizu và cộng  sự, 1954). Những quan sát trong thực tế cho thấy những thai chết và thai khô do heo mẹ bị nhiễm vi rút VNNB thường ở giai đoạn từ 40-60 ngày, thai trên  85 ngày ít bị ảnh hưởng (Sugimori và cộng sự, 1974).  Thai chết là do sự nhân lên không kiểm soát được  của vi-rút dẫn đến sự phá hủy các tế bào gốc (stem  cells) làm cho thai không thể đạt đến độ tuổi có khả  năng miễn dịch. Ở heo con vi-rút phát triển nhanh  ở não gây tổn thương não dẫn đến các triệu chứng thần kinh.

TRIỆU CHỨNG 
Trong tự nhiên, thỉnh thoảng có thể ghi nhận triệu  chứng lâm sàng trên các heo con mẫn cảm, với các  triệu chứng sốt, giảm cân, suy nhược, đờ đẫn, yếu  hoặc liệt chân sau, chảy nước dãi, đôi khi có những  dấu hiệu kích thích thần kinh như chạy hoảng loạn,  hay co giật.  

Thời kỳ ủ bệnh từ trong phòng thí nghiệm trung bình  từ 1 đến 3 vài ngày. 

Triệu chứng trên heo qua thực nghiệm trên heo 3  tuần tuổi qua đường tiêm tĩnh mạch cho thấy thân  nhiệt heo bị gây nhiễm tăng trên 40-41oC với triệu  chứng biếng ăn, suy nhược, run và liệt chân sau  (Yamada và cộng sự, 2004), chạy hoảng loạn, chảy  nước dãi,v.v,...  

Trên heo nọc, bệnh có liên quan đến hiện tượng  vô sinh trong mùa hè, heo nọc có thể bị viêm dịch  hoàn, thủy thũng (hình 1), mào tinh cứng và giảm  tính dục. Nhiều nghiên cứu đã phân lập vi-rút từ heo  nọc bị viêm dịch hoàn, chứng minh sự xâm nhập vi rút vào cơ quan sinh dục gây rối loạn quá trình sinh  tinh (Ogasa và cộng sự, 1977; Guérin và Pozzi, 2005).  Những rối loạn trên chỉ tạm thời và con vật có thể bình phục, nhưng trong những trường hợp nặng heo  nọc có thể bị vô sinh vĩnh viễn. 

 

Tất cả heo trưởng thành, heo nái mang thai đều  không có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, gần đây  triệu chứng thần kinh cũng được ghi nhận từ các  heo giống trưởng thành ngoại nhập. Các ảnh hưởng  bệnh lý trên các heo cái mang thai được ghi nhận qua những dấu hiệu bất thường của lứa đẻ. Trong  lứa đẻ có nhiều thai khô, thai chết, heo con yếu ớt  với triệu chứng thần kinh như run, co giật (hình 2)  và chết sau vài ngày. Thai của một lứa đẻ thường có  kích thước khác nhau (hình 3), thai chết có biểu hiện  phù thũng (hình 4) Hiện tượng sẩy thai ít được ghi  nhận trong các nghiên cứu gây bệnh thực nghiệm  (Chu và Joo, 1996). 

 

BỆNH TÍCH 
Bệnh tích đại thể 
Bệnh tích không được ghi nhận ở heo nái bị nhiễm  bệnh sau khi đẻ. Tuy nhiên, bệnh lý được ghi nhận chủ yếu là những bất thường của lứa đẻ từ những  heo nái bị nhiễm vi-rút trong thời gian mang thai.  Bệnh tích đại thể đáng chú ý là thai chết hoặc heo  con sinh ra yếu ớt do viêm não tích dịch (hình 5), phù  thũng ở da, tích nước xoang ngực (hình 6), xoang  bụng (hình 7, hình 8), xuất huyết ở tương mạc, hạch  lâm ba sung huyết, hoại tử ở gan và lách, sung huyết  ở màng não và tủy sống (Burn, 1950). Nếu quan sát  kỹ có thể thấy hệ thần kinh trung ương giảm sản ở  một số vùng với biểu hiện võ não cực mỏng ở những  heo con bị viêm não tích dịch (Shimizu và cộng sự,  1954). Ở heo nọc, dịch hoàn viêm, có nhiều dịch nhầy  ở màng bao dịch hoàn, đồng thời có lớp fibrin dày ở  mào tinh cũng như màng trong của bao dịch hoàn.

Bệnh tích vi thể
Bệnh tích vi thể quan trọng chủ yếu ở hệ thần kinhtrung ương đặc trưng bởi hiện tượng viêm não  không mủ, tích dịch (Hình 9), có nhiều bạch cầu tập  trung quanh mạch (hình 10), biến đổi bệnh lý chủ  yếu được tìm thấy hệ thống lưới nội mô, nhiều điểm  tăng sinh ở vùng tủy lách và viêm tổ chức kẽ ở phổi  (Johnson, 1987). 
Bệnh tích vi thể ở dịch hoàn là phù thũng, viêm với  sự xâm nhiễm của nhiều tế bào ở mô kẽ của mào  tinh và màng bao dịch hoàn. Hiện tượng thâm nhiễm  và xuất huyết cũng được ghi nhận ở mô kẽ của dịch  hoàn. Biểu mô ống sinh tinh bị thoái hóa (Hashimura  và cộng sự, 1976; Ogasa và cộng sự, 1977). 

 

PHÒNG CHỐNG BỆNH 
Việc điều trị bệnh trên heo thường không có ý nghĩa,  vì bệnh gây chủ yếu trên thai và chúng ta chỉ có thể  chẩn đoán khi hiện tượng rối loạn sinh sản đã xảy ra.  Bệnh VNNB trên heo có thể phòng chống bằng việc  tránh không cho heo bị muỗi đốt. Tuy nhiên, điều này  rất khó thực hiện, chỉ trừ khi ta có hệ thống chăn nuôi  heo kín, đảm bảo không có muỗi. Do đó, tiêm phòng  vắc-xin là lựa chọn tối ưu trong việc phòng bệnh. 


PGS-TS Hồ Thị Việt Thu 
(Kì II, còn tiếp) 
Nguồn: Tạp chí chăn nuôi heo