Được thấm nhuần ý thức, người dân sẽ chủ động tiêm phòng cho thú cưng
Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 209
Theo ông Lê Hải Đồng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet, khi đã được thấm nhuần ý thức, người dân sẽ chủ động đi tiêm phòng vacxin cho thú cưng.
Ông Lê Hải Đồng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet cho biết, hiện nay thú cưng được quan tâm, chăm sóc rất chu đáo, chi tiết. Ảnh: Hồng Thắm.
Cùng với sự phát triển của thị trường thú cưng, thị trường thuốc thú y Việt Nam cũng ngày càng được mở rộng và có tiềm năng lớn.
Từ góc nhìn của đơn vị tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y nói chung và thuốc cho thú cưng ở Việt Nam nói riêng, ông Lê Hải Đồng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet cho biết, hiện thú cưng được quan tâm, chăm sóc rất chu đáo, chi tiết.
Riêng về mảng thuốc dành cho thú cưng, có rất nhiều nhóm như: Thuốc dành cho bệnh nhiễm khuẩn, bệnh tiết niệu, tim mạch, thậm chí là những bộ kit test, máy móc, dụng cụ siêu âm, chẩn đoán bệnh sớm rất cao cấp dành cho thú cưng... Bên cạnh đó, còn có cả hệ thống vacxin dành cho thú cưng rất phát triển, khá đầy đủ và hiệu quả.
“Hiện nay, thú cưng không chỉ là một con vật nuôi mà còn trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình, chình vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe thú cưng cũng được xem như chăm sóc sức khỏe thành viên trong gia đình. Do đó, trong những năm tới, sự phát triển của mảng thú y dành cho thú cưng sẽ tăng mạnh”, ông Đồng nhận định.
Ông Đồng cho biết, Amavet là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y. Trong những năm vừa qua đã nhập hàng loạt những sản phẩm thuốc thú y, vacxin, dụng cụ, thiết bị chăm sóc cho thú cưng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đồng, chăn nuôi thú cưng hiện nay đang chia thành hai nhóm. Thứ nhất là nhóm những người có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về dịch bệnh và lịch tiêm vacxin. Đa số nhóm này ở thành thị và khu dân cư đông đúc tập trung.
Thứ hai là nhóm ở nông thôn và miền núi, thường nuôi theo tập tục thả rông, không rọ mõm, đa phần là nuôi chó để giữ nhà. Nhóm này không có điều kiện tiếp cận những phòng khám và cũng không có hiểu biết về vacxin phòng bệnh trên vật nuôi, nhất là bệnh dại.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 53 người tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận trên 123.546 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng.
Đối với bệnh dại trên động vật, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 153 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tăng 13,3% lần so với cùng kỳ năm 2023, tổng số chó, mèo tiêu hủy là 404 con.
Tổng đàn chó trên cả nước đạt gần 7,3 triệu con; số chó, mèo được tiêm phòng là hơn 3,9 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng cả nước đạt gần 54% tổng đàn (chưa đạt yêu cầu theo quy định).
Nên tuyên truyền lịch tiêm vacxin để bà con chủ động phòng bệnh cho thú cưng, vật nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.
Ông Đồng cho rằng, chính quyền địa phương nên có những động thái quan tâm sâu hơn nữa, ví dụ như cấp kinh phí để cho người dân mua vacxin hoặc là kinh phí để cho cán bộ thú y cơ sở vận động tiêm phòng cho chó, mèo.
Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn về đến tận thôn, tận bản để cho chủ nuôi chó, mèo với mục đích giữ nhà hay làm thú cưng nâng cao hiểu biết, từ đó, nâng cao hành động. Có hiểu biết, người nuôi sẽ chủ động dắt chó, mèo đi tiêm phòng và quản lý chó, mèo khi đưa ra đường.
Đồng thời, nên có những pano, áp phích trong hội trường thôn, nhà văn hóa xóm, ngoài chợ, thậm chí cả ở dưới chân các tòa nhà chung cư để người nuôi thú cưng hoặc nuôi chó, mèo có ý thức tự bảo quản, tự bảo vệ. “Đã được thấm nhuần ý thức, mỗi khi có những đợt tiêm phòng người nuôi sẽ chủ động dắt chó, mèo đi tiêm”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Đồng, nên tuyên truyền lịch tiêm vacxin để bà con chủ động phòng bệnh cho thú cưng, vật nuôi. Trong những vùng áp lực dịch bệnh cao, có thể rút ngắn lịch tiêm vacxin dại thành 6 tháng/lần thay vì lịch tiêm định kỳ là mỗi năm một lần. Hay chó, mèo sơ sinh có thể tiêm 8 tuần tuổi thay vì đúng lịch là 12 tuần tuổi.
Hơn nữa, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát và lấy mẫu đánh giá lưu hành bệnh ở các địa phương. Thường xuyên đưa ra cảnh báo cho người nuôi thú cưng, vật nuôi.
Nguồn: Báo NNVN