Phòng chống bệnh Viêm não Nhật Bản trên heo Vaccine lựa chọn hiệu quả

Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 362


Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền  nhiễm chung của người và động vật, lây truyền qua  muỗi, do Flavivirus gây ra. Hầu hết các loài gia súc  đều cảm thụ với bệnh, bao gồm ngựa, heo, trâu bò,  dê và cừu (Chu và Joo, 1996). Những động vật khác  như thỏ, chuột, bồ câu (Chang và cộng tác viên (ctv),  1984; Hồ Thị Việt Thu, 2008), chó, vịt, gà, chim hoang  và bò sát cũng cảm nhiễm (Doi và ctv, 1983, Hồ Thị  Việt Thu, 2008). Heo được coi là động vật cảm nhiễm  cao nhất, sau khi xâm nhập vào máu, vi-rút sinh  sản nhanh chóng, nồng độ vi-rút trong cơ thể heo  rất cao, do đó có khả năng truyền cho người và các  động vật khác, có thể gây thành dịch (Chu và Joo,  1996). Ngoài ra, vi-rút VNNB cũng là nguyên nhân  quan trọng gây thất bại sinh sản trên heo (Chu và  Joo,1996; Hồ Thị Việt Thu, 2008 ). Trên người, vi-rút  VNNB là một trong những nguyên gây viêm não  phổ biến nhất ở nhiều nước châu Á. Ước tính, hàng  năm trên thế giới có khoảng 68.000 ca bệnh và có  khoảng từ 13.600- 20.400 trường hợp tử vong (WHO,  2019). Viêm não do vi-rút VNNB đặc biệt quan trọng,  vì thường là viêm não cấp, tỷ lệ tử vong có thể lên  đến 30% và khoảng 50% bệnh nhân sống sót bị di  chứng thần kinh (Akira, 1988). Do tính chất nguy  hiểm, bệnh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu  của ngành y tế nhiều nước châu Á, nhiều loại vắc xin đã được nghiên cứu và sản xuất để phòng bệnh  cho người (Phan Thị Ngà và ctv, 2004; Đoàn Thị Thủy  và ctv, 1991; Akira, 1988). Ở nước ta, chương trình  tiêm chủng mở rộng phòng ngừa cho người được áp  dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước nhằm mục đích  hạn chế và đi đến thanh toán bệnh truyền nhiễm  nguy hiểm này. Tuy nhiên, do đặc điểm dịch tễ của  bệnh rất phức tạp, trong tự nhiên có rất nhiều gia  súc và động vật hoang là nguồn cung cấp vi-rút cho  chu trình truyền bệnh, đặc biệt là heo và chim, với  véctơ truyền bệnh là muỗi, trong đó quan trọng nhất  là muỗi Culex. Do đó việc phòng chống bệnh trở nên  vô cùng khó khăn. Ngoài ra, việc phòng chống bệnh  trên heo chưa được người chăn nuôi quan tâm, điều  này làm thuận lợi cho sự phát triển của vi-rút một  cách mạnh mẽ trên động vật khuếch đại để từ đó  vi-rút được truyền cho người khi muỗi hút máu heo  có chứa vi-rút, sau đó sẽ truyền vi-rút cho người khi  muỗi đốt người. Để phòng chống bệnh trên heo một  cách hiệu quả chúng ta cần hiểu rõ phương thức  truyền lây của vi-rút VNNB nhằm có biện pháp thích  hợp và có hiệu quả. 

PHƯƠNG THỨC TRUYỀN L Y CỦA VI-RÚT VNNB 
Từ những năm đầu tiên, sau khi phân lập được vi-rút, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách lây lan của bệnh. Việc lan truyền bệnh do muỗi, trước đây là  một trong những giả thuyết, nhưng phải mất nhiều  năm sau người ta mới chứng minh được vai trò của  muỗi. Hiện nay, vai trò truyền bệnh của muỗi đối  với bệnh đã xác định một cách chắc chắn và là nhân  tố truyền bệnh chính có thể nói là vector duy nhất  trong việc truyền bệnh cho người và động vật. Heo  là thành viên quan trọng trong chu trình lây truyền  bệnh viêm não Nhật Bản và là nơi vi-rút nhân lên  gấp bội để truyền bệnh cho người và động vật khác.  Hầu như tất cả heo đều phát triển vi-rút huyết khi  bị muỗi có mang vi-rút đốt (Chen và Beaty, 1982).

 Những nghiên cứu trong tự nhiên cho thấy, heo mẫn  cảm khi được đưa vào vùng có bệnh lưu hành, chúng  sẽ bị nhiễm vi-rút sau một tuần. Hiện tượng vi-rút  huyết kéo dài trong 4 ngày hay dài hơn với nồng độ  vi-rút là 106 SMICLD50 (suckling mouse intracranial  lethal dose 50% - liều gây chết 50% chuột ổ khi  tiêm vào xoang não) và có đến 30% muỗi bắt được  trong vùng dương tính với vi-rút viêm não Nhật Bản  (Komada và ctv, 1968; Maeda và ctv, 1978: Scherer,  1959). Vi-rút VNNB cũng được phân lập từ máu  người trong nhiều trường hợp (Chan và Loh, 1966;  Hermon and Anadarajah, 1974; Kedarnath và ctv,  1984). Tuy nhiên, việc nhiễm vi-rút huyết không phổ  biến và nếu có thì nồng độ vi-rút trong máu rất thấp  và thời gian vi-rút huyết rất ngắn, khi bệnh nhân có  triệu chứng, vi-rút đã không còn trong máu. Do đó,  người bị nhiễm vi-rút VNNB không thể là nguồn cung  cấp vi-rút cho muỗi. Hơn nữa, chưa có dữ liệu dịch tễ  nào chứng minh sự lây bệnh trực tiếp từ người sang  người qua muỗi (Rosen, 1986). 


Trên ngựa, mặc dù có nghiên cứu đã chứng  minh được sự lây truyền từ chim sang ngựa, từ  ngựa sang ngựa và từ ngựa cho chim do muỗi Cx. tritaeniorhynchus (Gould và ctv, 1964). Hiện tượng  vi-rút huyết ở ngựa xảy ra sau khi nhiễm vi-rút từ  1-4 ngày và kéo dài từ 2-6 ngày với nồng độ 101,2  SMICLD50 (Endy và Nisalak, 2002), không đủ cung  cấp cho muỗi tiếp tục gây nhiễm.

 

Nhiều loài gia súc khác cũng có thể bị nhiễm vi rút VNNB và phát triển kháng thể ở hiệu giá khá cao  như trâu, bò, dê và có liên quan với những trận dịch  xảy ra trên người (Peiris và ctv, 1993), tuy nhiên chưa  có tài liệu nào chứng minh có tình trạng vi-rút huyết  (Ilkal và ctv, 1988). Trong khi đó, ở loài chim nồng  độ vi-rút huyết có thể lên đến 103,5 LD50 SMIC/0,03ml  máu có thể được ghi nhận trên nhiều loài diệc, do đó  chim hoang cũng là nguồn vi-rút quan trọng trong  chu trình truyền bệnh (Ogata và ctv, 1970). 


 Trong phòng thí nghiệm, người ta đã chứng  minh rất nhiều loài muỗi có thể nhiễm và truyền  vi-rút VNNB, trong đó Culex. tritaeniorhynchus, Cx.  gelidus, Cx. pseudovishnui và Cx. fucocephala được coi  là những véctơ truyền bệnh quan trọng nhất. Các  loài muỗi: Cx. pipiens pallens, Cx. quinquefasciatus, Cx.  molestus, Cx. tarsalis và Anopheles tessalatus cũng có  vai trò truyền bệnh cao nhưng kém hơn nhóm trên  (Burke và Leake, 1988, Gresser và ctv, 1958; (Mourya  và ctv, 1991). Muỗi Aedes. spp ít có vai trò truyền  bệnh trong điều kiện phòng thí nghiệm. Có bốn cơ  chế duy trì vi-rút ở môi trường là: sự trải qua đông,  truyền vi-rút qua trứng, trứng nhiễm vi-rút lúc đẻ và  lây truyền qua giao phối. Sự trải qua đông của vi-rút  VNNB trong cơ thể muỗi Cx. tritaeniorhynchus và Cx.  pipiens đã chứng minh sự duy trì vi-rút ở môi trường  (Hayashi và ctv, 1975; Lee và ctv, 1971; Ura, 1976).  Việc truyền vi-rút qua trứng đã được ghi nhận trên  muỗi Cx. tritaeniorhynchus,  Cx.bitaeniorhynchus Cx.  vishnui và Ae. albopictus (Rosen và ctv,1989; Rosen  và ctv, 1978; Soman, 1985). Ở Cx. vishnui, khoảng  10% muỗi cái có thể truyền vi-rút VNNB cho các con  trưởng thành của nó (Soman và ctv, 1986). Ở Cx.  tritaeniorhynchus, tỷ lệ muỗi cái truyền vi-rút sang  thế hệ sau từ 12-100%. Ngoài ra, tỷ lệ truyền vi-rút  cho thế hệ sau của muỗi tùy thuộc vào khoảng cách  giữa thời điểm muỗi cái nhiễm và đẻ trứng. Việc  truyền vi-rút qua giao phối giữa muỗi đực và muỗi  cái cũng được ghi nhận ở Cx. tritaeniorhynchus, Cx.  bitaeniorhynchus (Mourya và Soman, 1999), (Rosen  và ctv, 1989).  


Vi-rút sinh sản nhanh chóng trong Cx. tritaeniorhynchus, sự lan truyền vi-rút tùy thuộc vào  điều kiện nhiệt độ môi trường. Sự lây truyền vi-rút  trong quần thể muỗi cao nhất (100%) ở 280C sau 14  ngày, trong khi đó ở 200C cho đến ngày thứ 20 vẫn  không xảy ra hiện tượng lây truyền vi-rút (Takashi,  1976). 


Muỗi Culex thường hoạt động về đêm với hai thời  điểm tìm mồi cao là lúc chập tối và sau nửa đêm  (Gould và ctv, 1974). Khi muỗi hút máu người, động  vật vào thời điểm vi-rút huyết, vi-rút sẽ lên đến tuyến  nước bọt, sau một thời gian phát triển trong cơ thể  


(8-14 ngày) ở điều kiện nhiệt độ bình thường. Lúc  này, muỗi có khả năng gây nhiễm suốt đời và cũng là  nơi tồn trữ vi-rút quan trọng.  


Sự phát triển của muỗi chịu ảnh hưởng rất lớn  bởi lượng mưa, nhiệt độ và ẩm độ. Nếu không hoặc  rất ít mưa sẽ hạn chế mật độ muỗi, chỉ trừ những  vùng canh tác lúa đang giữ nước trên ruộng. Tuy  nhiên, nếu mưa quá nhiều sẽ làm cuốn trôi trứng và  ấu trùng của muỗi. Khi nhiệt độ tăng sẽ có rất nhiều  muỗi trưởng thành do chu kỳ phát triển từ trứng-ấu  trùng-con trưởng thành ngắn hơn (Service, 1993) so  với nhiệt độ thấp. Ở Việt Nam, và một số nước Châu  Á với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với  truyền thống chăn nuôi heo kết hợp với canh tác lúa  nước, và khí hậu nhiệt đới ẩm là điều kiện lý tưởng  cho sự sinh sản và phát triển của muỗi Culex, cũng  như duy trì số lượng lớn vi-rút trong tự nhiên từ năm  này sang năm khác, thuận lợi cho việc truyền bệnh  cho người và gia súc (Endy và Nisalak, 2002). 

 

PHÒNG CHỐNG BỆNH 
Từ đặc điểm của phương thức truyền lây, biện pháp phòng chống bệnh VNNB bao gồm các biện  pháp kiểm soát và tiêu diệt vector truyền bệnh là  muỗi (quan trọng nhất là muỗi Culex) và tạo miễn  dịch đặc hiệu cho heo qua việc tiêm phòng vắc-xin. 


Kiểm soát yếu tố trung gian (muỗi) truyền bệnh  
Việc kiểm soát vector rất khó thực hiện vì bao  gồm nhiều loài muỗi truyền bệnh và tính chất của  bệnh còn tùy thuộc vào điều kiện sinh thái của từng  vùng. 


Phương pháp sử dụng hóa chất giúp giảm mật độ muỗi trong một thời gian, được sử dụng trong  công tác phòng chống bệnh trên người. Tuy nhiên,  sử dụng các thuốc diệt côn trùng một cách hợp lý để  diệt muỗi Culex và các giống muỗi khác gặp nhiều  khó khăn vì các vector này sinh sản trên những ruộng  lúa mênh mông luôn ngập nước, có nhiều chất hữu  cơ, muỗi lại có khả năng bay và tìm mồi rất xa (Bailey  và Gould, 1975; Wada, 1989). Do đó, để có thể diệt  muỗi bảo vệ heo và người tránh muỗi đốt đòi hỏi phải sử dụng các hoá chất trong phạm vi bán kính  khoảng một kilômét hay lớn hơn (Innis, 1995). Các  thuốc diệt ấu trùng muỗi chỉ có tác dụng trong thời  gian ngắn, nên muốn ngăn chặn sự phát triển của ấu  trùng đòi hỏi phải sử dụng hóa chất nhiều lần. Ngoài  ra, hiện tượng kháng thuốc ở muỗi và ấu trùng phát  triển rất nhanh. Vấn đề trở ngại lớn nữa là ô nhiễm  môi trường. Những điều này đã làm giảm tính thuyết  phục của việc sử dụng hóa chất (Innis, 1995).  


Do đó, người ta đồng thời áp dụng các biện pháp  khác như:  
Cải tiến phương pháp canh tác, tháo nước và bơm  nước đảm bảo nước luôn lưu thông để trứng không  đủ thời gian phát triển thành muỗi trưởng thành. Kết  quả nghiên cứu cho thấy phương pháp luân phiên  giữ và tháo nước ở ruộng lúa đã làm giảm được 55- 
70% Cx. tritaeniorhynchus và năng suất lúa trong đợt  thí nghiệm tăng lên từ 4-13% (Keiser và ctv, 2005). Ở  Trung Quốc, người ta áp dụng phương pháp giữ và  tháo nước luân phiên ở các cánh đồng lúa, sau 4-5  ngày giữ nước trên ruộng thì tháo nước làm khô đất  trong thời gian 24-48 giờ đã làm giảm đáng kể lượng  muỗi Cx. tritaeniorhynchus (vector chính truyền  bệnh VNNB) và muỗi Anopheles sinensis, vector  truyền nguyên trùng sốt rét và giun chỉ bạch huyết  (Service, 1993). 


Ngoài ra, các biện pháp phòng chống muỗi sinh  học khác như nuôi tôm hoặc cá trên ruộng lúa, loại  bỏ các bể, hồ chứa nước đọng để không còn nơi cho  muỗi sinh sản. 


Xây dựng trại chăn nuôi cách xa ruộng lúa và xa  nhà ở. Tránh muỗi đốt heo bằng cách sử dụng lưới  chắn muỗi vào ban đêm, hoặc các thuốc xua muỗi,  thuốc phun diệt muỗi.  


Phòng muỗi đốt cho người và động vật bằng cách dùng lưới chắn muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo tay  dài, sử dụng các thuốc thoa xua muỗi. Thuốc thường  sử dụng là dung dịch DEET 10-30% (N, N- diethyl meta-toluamide), phun lên quần áo hoặc bôi lên da  trần, hoặc dùng các dụng cụ bẫy muỗi với chất dẫn  dụ là octanol và carbon dioxide (CO2) đặt ở các cửa  ra vào. 

 

Tiêm phòng 
Việc tiêm ngừa vắc-xin là yếu tố then chốt để  phòng chống bệnh VNNB. Hiện nay vắc-xin VNNB vô  hoạt chủng Nakayama hoặc Beijing sản xuất từ não  chuột được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia như  Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Sri Lanka,  Ấn Độ, Mã Lai. Loại vắc-xin sống giảm độc chủng  SA 14-14-2 được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và  Nepal. Ở nước ta, vắc-xin vô hoạt chủng Nakayama  sản xuất từ não chuột theo công nghệ của viện  Biken, Nhật Bản đã có từ 1991, đạt tiêu chuẩn của  Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng vắc-xin (Ngô Thùy  Anh và Nguyễn Thu Vân, 2000; Huỳnh Phương Liên  và ctv, 1991; Huỳnh Phương Liên và ctv, 1992; Đoàn  Thị Thủy ctv, 1991). Vắc-xin được khuyến cáo tiêm  ngừa cho trẻ em từ 12 tháng đến 15 tuổi, với liều  0,5ml dưới da cho trẻ em dưới 3 tuổi và 1ml cho trẻ  em trên 3 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau từ 1-2 tuần,  mũi thứ 3 sau 1 năm. Cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần để  đảm bảo miễn dịch bền vững (Trần Văn, 2004) 


Trên heo, việc tiêm ngừa vắc-xin cho đàn heo  giống là biện pháp tốt nhất có thể thực thi trong các  phương sách phòng chống bệnh. Ngoài ra, việc tiêm  phòng trên heo có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trên  người. Có nhiều loại vắc-xin giảm độc đã được nghiên  cứu và được sử dụng rộng rãi trong việc phòng bệnh  VNNB trên heo. Nhiều loại vắc-xin giảm độc đã được  sản xuất và đang sử dụng có hiệu quả trong thực tế  (Fujisaki và ctv, 1975; Kwon và ctv, 1976). Vắc-xin  bất hoạt có hiệu quả kém hơn nên ít phổ biến. Heo  đực giống, nái và cái hậu bị cần được tiêm ngừa 2 lần  cách nhau 2-3 tuần trước mùa muỗi phát triển mạnh.  Các heo đực giống và cái hậu bị trước khi sử dụng  làm giống cần phải được tiêm ngừa trước khi phối  giống. Vắc-xin này có thể tiêm đồng thời với các vắcxin phòng những bệnh khác như vắc-xin dịch tả heo.  

 

Hiện nay, thị trường trong nước ta đã có vắc-xin  VNNB nhược độc BIO-L JE (Formosa-Đài Loan), được  sản xuất từ chủng TS, mỗi liều chứa 105.0 TCID50  (50% tissue culture infectious dose-liều gây nhiễm  50% tế bào nuôi cấy). Vắc-xin được sử dụng qua  đường tiêm dưới da, đối với heo con <4 tháng cần  được tiêm 2 lần, cách nhau 4 tuần để khắc phục hiện  tượng trung hòa vi-rút bởi kháng thể thụ động và để  tạo miễn dịch kéo dài, heo >4 tháng tuổi chỉ cần tiêm  1 liều duy nhất. Hàng năm: Nái trước khi phối giống  tiêm 1 lần. Đực thì cứ 06 tháng tiêm một lần. Mỗi 1  liều là 2ml. 


PGS-TS Hồ Thị Việt Thu 
(Kì V - Hết)
Nguồn: Tạp chí chăn nuôi heo