Tái đàn và chăn nuôi an toàn để phục vụ nhu cầu lợn dịp Tết

Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 186

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói, bây giờ là thời gian thích hợp tái đàn lợn để cung cấp ra thị trường vào dịp cuối năm khi nhu cầu tăng cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra trại lợn giống của Công ty Amafarm tại Nam Sách, Hải Dương sáng 23/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 23/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đi kiểm tra công tác sản xuất lợn giống trong thời điểm thích hợp cho tái đàn tại trang trại của Công ty Giống vật nuôi Amafarm ở huyện Nam Sách, Hải Dương. Đây là mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với nhiều khi trại nuôi được cách ly cẩn thận, trang bị hệ thống phun, chiếu khử khuẩn để tránh lây lan dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 6 tháng đầu năm 2024, quy mô đàn lợn vẫn tăng hơn 3%, tương đương tổng đàn khoảng 28,6 triệu con. Tuy nhiên, thời gian qua có xảy ra dịch bệnh, điển hình như dịch tả lợn châu Phi nên việc tổ chức tái đàn ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng.

“Trong dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thịt lợn thường tăng từ 10-15%. Với chu kỳ phát triển của lợn thương phẩm thường kéo dài từ 5-6 tháng thì đây là thời điểm cần triển khai tái đàn ngay”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý đến việc khống chế dịch bệnh, cụ thể là tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi. Thời gian vừa qua, mặc dù có dịch nhưng những địa phương tổ chức tiêm vacxin thì an toàn dịch bệnh được đảm bảo.

Bên cạnh việc tiêm vacxin cho lợn, việc tái đàn vào thời điểm này cũng được cho là thích hợp. “Với việc tổ chức tái đàn kết hợp cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chúng ta sẽ đảm bảo được nguồn cung thực phẩm vào dịp Tết dương lịch và âm lịch sắp tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thêm.

Amafarm có hơn 500 lợn nái cụ kỵ, mỗi năm có thể cung cấp từ 1.000 - 1.500 lợn đực ra thị trường, tương đương với đó là khả năng cho ra đời từ 1,2 - 1,8 triệu lợn con. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác chăn nuôi an toàn dịch bệnh của trang trại Amafarm. Theo Thứ trưởng, Amafarm với hơn 500 lợn nái cụ kỵ, năng lực cung cấp khoảng 1.000 lợn đực ra thị trường mỗi năm, có thể giúp sản xuất được khoảng 1,2 triệu lợn con hằng năm, đóng góp quan trọng vào công tác tái đàn.

Trước đó, số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến và giá thịt lợn hơi ở mức cao.

Trong 6 tháng đầu năm, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng khá khiến tâm lý người chăn nuôi lạc quan hơn. Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn của người sản xuất (PPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, quý II năm 2024 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 6, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương, ở mức giá này người chăn nuôi có lãi và yên tâm sản xuất. Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng.

Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 1241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).