Xử lý bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa ở dê

Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 424

Dê là nguồn thực phẩm rất giá trị, vì vậy đây là đối tượng giúp cho người dân có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, dê rất dễ gặp bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa, bệnh làm cho dê sinh trưởng kém, gây thiệt hại cho người nuôi.


Bệnh cầu trùng (Coccidiosis)

Nguyên nhân: Bệnh do loài ký sinh trùng đơn bào (Eimeria) gây ra. Chúng sống ký sinh trong tế bào thành ruột. 

Triệu chứng: Dê kém ăn, bỏ ăn, phân nhão, tiêu chảy kéo dài. Trường hợp mắc bệnh nặng thì phân lỏng lẫn nhiều máu. Dê ỉa chảy kéo dài, xù lông và có trên 20% số con mắc bệnh chết.

Phòng bệnh: Vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, tránh lây nhiễm ấu trùng vào thức ăn, nước uống. Không nên nuôi nhốt dê chật chội. Khi bệnh xảy ra cần vệ sinh sát trùng chuồng trại, cách ly ngay con ốm để tránh lây nhiễm ra toàn đàn, đặc biệt là dê con.

Trị bệnh: Có thể dùng thuốc có thành phần như sau để điều trị: POLYCOX SOL, DUFACOC-200 PLUS W.S.P. Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Bệnh giun tròn

Nguyên nhân: Bệnh do nhiều loài giun tròn cư trú ở đường tiêu hóa. Giun tròn đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài, phát triển thành phôi và trứng nở thành ấu trùng giun qua vài giai đoạn, ấu trùng giun giai đoạn 3 bám vào cỏ, cây nơi ẩm thấp, dê ăn phải cỏ, cây có dính ấu trùng giun vào đường tiêu hóa gây bệnh và đẻ trứng.

Triệu chứng: Thiếu máu, kém ăn, chậm chạp, kém hoạt bát, tiêu chảy phân màu xanh nhạt, cơ thể gầy còm, bụng chướng, ỉa chảy, dê gầy ốm và có thể chết.

Phòng bệnh: Vệ sinh chuồng trại thường xuyên, thu gom phân và ủ phân để tạo nhiệt làm chết ấu trùng trứng giun tròn và đốt sán dây; định kỳ mỗi tuần phun xịt chuồng trại 1 lần bằng các loại hóa chất như Benkocid, Iodine…

Trị bệnh: Có thể sử dụng một trong những thuốc có hiệu lực cao và an toàn như LEVORAL 75% WSP, DUFAMEC 1% INJ, Albendazole cho uống hay chích dưới da theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thuốc ghi trên nhãn thuốc. Sau khi tẩy 3 ngày, phân gia súc thải ra phải được thu gom và tiêu độc.

 

Bệnh sán lá gan (Fasciolosis)

Nguyên nhân: Sán lá gan trưởng thành sống trong ống mật của vật chủ và đẻ trứng theo ống mật vào đường tiêu hóa, theo phân ra ngoài. Chu kỳ phát triển và lây lan bệnh sán lá gan theo vòng tuần hoàn tự nhiên.

Triệu chứng: Cấp tính: Dê yếu dần, suy nhược cơ thể, biếng ăn và xanh xao, con vật thường chết đột ngột. Mãn tính: Dê lờ đờ, giảm tiết sữa, giảm trọng lượng, có thể bị tiêu chảy, thể lực kém, xù lông, niêm mạc nhợt nhạt và tim đập nhanh hơn.

Phòng bệnh: Định kỳ tẩy sán một năm hai lần vào đầu mùa khô và mùa mưa, ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao thì 3 - 4 tháng/lần. Không nên chăn thả hay sử dụng thức ăn cho dê ở những vùng ngập nước hay đọng nước lâu ngày, có ốc nước ngọt cư trú vì sán lá gan có vòng đời gián tiếp thông qua ký chủ trung gian là ốc. Có thể diệt ốc nước ngọt bằng CuSO4 (nồng độ 3 - 4%).

Trị bệnh: Albendazone, niclosamide... chích dưới da hay cho uống với liều lượng 20 - 50 mg/kg thể trọng hoặc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

 

Bệnh sán dây

Nguyên nhân: Bệnh do sán dây Moniezia expansa và M. benedeni gây ra. Sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non gia súc nhai lại. Đốt sán chửa rụng theo phân ra ngoài, vỡ ra, giải phóng nhiều trứng sán.

Triệu chứng: Con vật kém ăn, khát nước, đi tả, trong phân có những đốt sán, có thể thấy cả đoạn sán dây còn lủng lẳng ở hậu môn.

Phòng bệnh: Tẩy sán dây cho gia súc nhai lại trước khi sán dây phát triển thành sán trưởng thành. Diệt ký chủ trung gian trên bãi chăn bằng cách khai hoang, cải tạo đồng cỏ, cày lật đất, phơi nắng trong vài ngày, canh tác trên đất, không bỏ hoang đất.

Trị bệnh: Có thể dùng Albendazole, dẫn xuất của Imidazole, thuộc nhóm enzimidazole. Liều lượng: theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: nguoichannuoi.vn