Vi-rút Viên não Nhật Bản (VNNB) Trong hội chứng rối loạn sinh sản (RLSS) trên heo 

Ngày Đăng : 2024-10-12 / View: 225

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền nhiễm của người và động vật do vi-rút gây ra và lây truyền  qua muỗi. Vi-rút VNNB là nguyên nhân quan trọng gây rối loạn sinh sản trên heo ở các nước Châu Á. Heo nái  bị nhiễm vi-rút trong thời gian mang thai có thể bị rối loạn sinh sản với lứa đẻ có nhiều thai chết trước khi  sinh, hoặc heo sơ sinh ốm yếu với triệu chứng thần kinh. Việt Nam, nằm trong vùng có dịch viêm não Nhật  Bản lưu hành, do đó tổn thất kinh tế do rối loạn sinh sản trên heo là không thể tránh khỏi. Nghiên cứu dưới  đây được thực hiện nhằm khảo sát vai trò của vi-rút VNNB trong hội chứng rối loạn sinh sản (RLSS) trên heo  qua việc phát hiện kháng thể đặc hiệu kháng vi-rút VNNB và vi-rút VNNB từ 55 lứa đẻ RLSS trên heo ở một  số trại chăn nuôi ở đồng bẳng sông Cửu Long.  

 

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 
Phương pháp lấy mẫu 

Năm mươi lăm (55) lứa đẻ heo có rối loạn sinh sản từ 1 trại chăn nuôi ở An Giang và 1 trại chăn nuôi ở Vĩnh  Long, bao gồm 1 trường hợp sẩy thai và 54 đẻ đúng ngày có thai chết lưu hoặc heo sơ sinh có triệu chứng  thần kinh được thu thập từ tháng 04/2006 đến 11/2006. Mỗi một lứa đẻ thu thập từ 1-2 thai chết lưu hoặc  heo con sơ sinh có triệu chứng thần kinh (chưa được bú sữa đầu) để xét nghiệm. 
Tổng cộng có 55 mẫu máu heo mẹ, 56 mẫu dịch xoang ngực (DXN) của thai chết lưu, 7 mẫu huyết thanh  từ heo con sơ sinh chưa được bú sữa đầu và 60 mẫu não. 
Ngoài việc lấy mẫu chúng tôi tiến hành quan sát biểu hiện bên ngoài và mổ khám để ghi nhận lại bệnh  tích của thai và heo con. Một số mẫu não từ những thai có tích dịch xoang ngực, xoang bụng được bảo quản  trong dung dịch formol 10% dùng làm tiêu bản để quan sát bệnh tích vi thể. Thông tin về lứa đẻ và nái cũng  được ghi chép cẩn thận. 

Phương pháp xét nghiệm 
Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu (HI-haemagglutination  inhibition) dùng để xét nghiệm kháng thể kháng vi-rút VNNB từ huyết thanh của heo mẹ và DXN thai chết  hoặc huyết thanh heo con (Clarke và Carsals, 1958), xét nghiệm RT-PCR được sử dụng để phát hiện RNA  của vi-rút VNNB từ mẫu não với cặp mồi đặc hiệu dùng khuếch đại một đoạn của gien C/prM với kích thước  326bp, qui trình phản ứng được thực hiện theo Tsuchie et al. (1997), với trình tự nucleotide các cặp mồi như  sau:  
JEM-1 (mồi xuôi): 5’-GGAAATGAAGGCTCAATCATGTG-3’ 
M-99 (mồi ngược): 5’- TTGGAATGCCTGGTCCG-3’ 
Chỉ tiêu khảo sát 
Tỷ lệ nái RLSS có nhiễm vi-rút VNNB (%) = Số nái có ít  nhất một thai hoặc heo con  dương tính với xét nghiệm  vi-rút hay kháng thể / tổng  số nái quan sát x100 

KẾT QUẢ  
Tổng hợp kết quả xét  nghiệm heo nái, thai và heo  con từ những lứa đẻ có kết  quả dương tính trong chẩn  đoán bệnh VNNB được trình  bày qua bảng 1. 
Kết quả bảng 1 cho thấy  có tất cả 15 thai chết và heo  con của 12 nái cho kết quả  dương tính với vi-rút VNNB  (với xét nghiệm RT-PCR hoặc  HI), trong đó 9 nái có 1 thai  chết (hoặc heo con) dương tính, 3 nái còn lại (746, 2806, 12485) có 2 heo con hoặc thai chết dương tính. 


Bảng 1. Những thông tin về nái và thai (hoặc heo con) có kết quả xét nghiệm dương tính 

Ghi chú: SSS: heo con sơ sinh còn sống; TC+HCC: thai và heo con chết, DXN-HI: dịch xoang ngực thai với xét nghiệm HI, HT-HI:  huyết thanh heo con với xét nghiệm HI; Não RT-RCR: não thai hoặc heo con với xét nghiệm RT- PCR;  *: heo con nên không đo kích thước. 

 

Từ kết quả trên chúng tôi có những nhận xét như sau: 
Tất cả 12 heo nái đều dương tính với xét nghiệm HI. Điều này được lý giải sau khi nhiễm vi-rút VNNB trong  thời gian mang thai, heo nái có thể bị rối loạn sinh sản, sau đó có đáp ứng miễn dịch, kháng thể HI có thể kéo  dài tồn tại trong thời gian nhất định, do đó tất cả các nái RLSS do vi-rút VNNB đều có kháng thể HI sau khi đẻ.  Rối loạn sinh sản do virút VNNB có thể xảy ra ở nái với những lứa đẻ khác nhau (từ lứa 1-9).  


Khả năng phát hiện kháng thể kháng virút VNNB từ dịch xoang ngực hoặc huyết thanh của heo chưa bú  sữa đầu bằng xét nghiệm HI (11/15) cao hơn so với phát hiện RNA của vi-rút từ não bằng kỹ thuật RT-PCR  (5/15 mẫu não). Phần lớn (10/11) thai và heo con dương tính với xét nghiệm kháng thể (HI), cho kết quả âm  tính với xét nghiệm RNA của vi-rút (RT-PCR), chỉ có 1 thai cho kết quả dương tính với cả 2 xét nghiệm (thai nái  số 979) và có 4 trường hợp RT- PCR dương tính nhưng ngược lại HI âm tính. 
Chỉ phát hiện được kháng thể kháng vi-rút VNNB ở thai > 70 ngày tuổi, nhưng có thể phát hiện được vi-rút  VNNB ở thai nhỏ tuổi hơn (50 ngày). 
Như vậy trong tổng số 55 nái bị RLSS được xét nghiệm bao gồm 1 trường hợp sẩy thai và 54 trường hợp  đẻ đúng ngày, có 12 trường hợp bị nhiễm vi-rút VNNB, chiếm tỷ lệ 21,81% (12/55). Đây là tỷ lệ khá cao đòi hỏi  người chăn nuôi cần quan tâm trong việc phòng chống bệnh này. Tuy nhiên, do thời gian hạn chế và việc lấy  mẫu vô cùng phức tạp và khó khăn nên chúng tôi chỉ lấy mẫu trong khoảng thời gian từ tháng 04/2006 đến  tháng 11/2006 vào mùa mưa, có thể đây là thời điểm trùng hợp với mùa của bệnh VNNB. Do đó, cần tiến hành  khảo sát cả năm để có kết luận chính xác hơn. 


Bệnh tích đại thể của thai và heo con dương tính  với vi-rút VNNB  
Kết quả khảo sát bệnh tích đại thể của 15 thai chết  lưu và heo con dương tính từ 12 nái có rối loạn sinh sản  được trình bày ở bảng 2. 


Trong 15 mẫu thai và heo con xét nghiệm dương  tính với VNNB có đến 13 thai và heo con từ những lứa  đẻ với những thai khô và chết với nhiều kích thước  khác nhau với tỷ lệ 86,67%. Bệnh lý phổ biến xuất hiện  ở thai và heo chết từ các lứa đẻ rối loạn sinh sản do  vi-rút VNNB là tích dịch ở xoang ngực và xoang bụng  (73,33%), tích dịch ở não (66,67%), trong khi đó, bệnh  lý hoại tử lách và hạch lâm ba sung huyết ít được ghi  nhận so với các bệnh lý khác (20%). 

 

Bảng 2. Tần suất bệnh tích trên thai chẩn đoán dương  tính với virus VNNB (n*=15)

n* Số thai và heo con dương tính với xét nghiệm HI hoặc RT-PCR   



Đặc điểm của rối loạn do vi-rút VNNB cũng giống  như PPV là heo nái mắc bệnh không có triệu chứng lâm sàng, nhưng khi heo mẹ đã bị nhiễm, vi-rút theo  máu đến tử cung, qua nhau xâm nhiễm các bào thai  và quá trình gây nhiễm diễn ra từ từ những thai bị chết  trước sẽ có kích thước ngắn và dịch từ các thai chết này  được cơ thể mẹ hấp thu làm thai trở nên khô lại. Do đó,  trong một lứa đẻ có rối loạn sinh sản có cả thai khô, thai chết với nhiều kích thước khác nhau. Tuy nhiên, bệnh  lý trên thai do vi-rút VNNB có một số đặc điểm riêng là phần lớn các thai có ứ nước với những mức độ khác  nhau, thai ướt và nhũn hơn so với các thai khô do PPV (hình 3), trong lứa đẻ có thể có heo con yếu ớt với triệu chứng thần kinh (hình 4). Đối với các thai chết lưu nhìn bên ngoài có thể thấy tích dịch dưới da, có thể quan  sát thấy cuống nhau ứ nước trong suốt, bụng to do tích dịch (hình 5). Khi mổ khám thấy xoang ngực chứa rất  nhiều dịch trong suốt có màu hơi vàng hoặc hơi đỏ (hình 6), xoang bụng căng to chứa rất nhiều dịch giống  như ở xoang ngực (hình 7), não tích dịch, sung huyết hoặc có thể có nhiều điểm xuất huyết (hình 8), gan hoại  tử có màu vàng xen lẫn với màu đỏ nâu (hình 9). 

Kết quả khảo sát bệnh tích vi thể ở não có thể thấy mạch máu sung huyết hoặc xuất huyết, tích dịch, hình  thành không bào trong mô não và có sự tập trung các lâm ba cầu quanh mạch, hiện diện ở mô não (hình 10,  hình 11, hình 12). 

 

KẾT LUẬN
Sự hiện diện của kháng thể đặc hiệu kháng vi-rút VNNB và gene đặc hiệu của vi-rút VNNB từ thai chết lưu hoặc heo con chưa được bú sửa đầu chứng tỏ thai và heo con đã bị nhiễm virus từ mẹ. Tỷ lệ đáng kể lứa đẻ có RLSS dương tính chứng tỏ bệnh VNNB có ảnh hưởng quan trọng đối với năng suất sinh sản  của đàn heo. Do đó, cần có biện pháp  phòng chống bệnh thích hợp để hạn  chế tổn thất do bệnh gây ra.  

PGS-TS Hồ Thị Việt Thu 
(Kì IV, còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí chăn nuôi heo